Kinh tế Nhà_Tùy

Nhằm ổn định kinh tế, Tùy Văn Đế đề ra rất nhiều chính sách khiến cho nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp đều phát triển.[60] Chế độ kinh tế triều Tùy về cơ bản kế thừa chế độ cũ của Bắc Chu, tô dung điều chế là chế độ phục dịch chủ thể, dựa trên cơ sở quân điền chế. Nhằm đảm bảo nguồn lương thực ổn định cho khu vực Quan Trung, triều đình Tùy cho xây dựng rất nhiều kho lương lớn, đến những năm cuối thời Tùy Văn Đế, lượng tích trữ được thuật lại là đủ dùng trong 50-60 năm. Thủ công nghiệp điển hình là nghề dệt tơ, nghề gốm sứ, và đóng thuyền. Trong đó, khi khai quật các ngôi mộ tại những khu vực nay thuộc An Dương của Hà Nam, Tây An của Thiểm Tây; đã tìm được bình sứ trắng thiên nga, có đặc tính cứng, tạo hình đẹp, là một trong những đồ sứ trắng có niên đại sớm nhất được phát hiện tại Trung Quốc.[61] Thống nhất khiến cho thương nghiệp triều Tùy phát hiển rất nhiều so với thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều. Đương thời, đô thị có quy mô đồ sộ, thương nghiệp phồn hoa lần lượt có Trường An, Lạc Dương, Giang Đô, Thành Đô, Quảng Châu, hiếm thấy tại thế giới đương thời.[62]

Nông nghiệp

Tượng khắc "ngưu xa" thời Tùy

Tùy Dạng Đế chọn cách thi hành giảm nhẹ thu thuế, lao dịch, hình phạt và kiểm chứng hộ khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.[60] Với "quân điền chế" từ thân vương và quan viên ở trên đến bình dân ở dưới đều có một số lượng đất ruộng nhất định[chú 5] Trong đó, 'vĩnh nghiệp điền' vĩnh viễn không cần trả lại, còn 'lộ điền' thì sau khi người được giao qua đời thì lại thuộc về quan phủ. Thời Tùy, vẫn còn một số lượng nhất định đất hoang, có thể tiếp tục thực hiện 'quân điền chế' từ thời Bắc triều, tuy nhiên xuất hiện việc phân phối đất đai không đều ở một bộ phận khu vực. Tô Uy kiến nghị giảm thiểu phần của công thần để thêm cho bách tính, song bị Vương Nghị phản đối nên không thành.[63] Đương thời, chế độ trang viên tiếp tục tồn tại ở phương nam, "quân điền chế" chỉ cho thấy một số hiệu quả tại phương bắc. Ngoài ra, tại khu vực biên cương, triều Tùy thi hành "đồn điền chế" để duy trì chi tiêu cho quân đội.[64] Tô dung điều chế triều Tùy kế thừa chế độ thời Bắc Chu, đưa lao dịch: "tô điều lực dịch' và 'dung quyên' vào chế độ thu thuế. Tùy Dạng Đế còn miễn thuế cho phụ nhân, bộ khúc, phụ tì; lao dịch và thuế ruộng thuế vải dựa trên số 'đinh' mà thu. Giống như trước khi thống nhất, có một lượng tương đối nhân khẩu dựa vào hào tộc mà trở thành "phù hộ", để tiếp tục có được con số về hộ khẩu, đồng thời đảm bảo trưng thu thuế và lao dịch được chính xác, triều đình gia tăng quản lý đối với nhân dân, thi hành "đại sách mạo duyệt"[chú 6] và "thâu tịch chế",[65] đem người phụ thuộc từ thế lực của hào tộc sang nằm dưới quyền quản lý của quốc gia, thành dân xếp vào hộ, gia tăng thu nhập từ thu thuế và lao dịch cho triều đình.[66]

Do nhân khẩu liên tục tăng trưởng, cung cấp cho nông nghiệp một lượng lớn sức lao động, khiến diện tích đất ruộng cày cấy không ngừng gia tăng. Năm 589, diện tích đất canh tác là 19.404.167 khoảnh, đến thời Tùy Dạng Đế tăng lên 55.854.040 khoảnh.[67] Trong thời gian Tùy Văn Đế tại vị, còn hết sức khôi phục, xây dựng, cải tạo rất nhiều công trình thủy lợi, như Thược Bi tại Thọ châu (nay thuộc Thọ huyện, An Huy), tưới nước cho hơn 5.000 khoảnh ruộng.

Trong điều kiện lương thực sung túc, để lưu trữ lương thực nhằm đề phòng mất mùa đói kém, Tùy Văn Đế cho thiết lập "quan thương" và "nghĩa thương" tại các châu trên toàn quốc, "nghĩa thương" để phòng nạn nhỏ, "quan phương" phòng nạn lớn. Để bảo đảm ổn định lương thực cho khu vực Quan Trung, triều đình cho thiết lập rất nhiều kho lương lớn tại các nơi như Trường An, Lạc Dương, Lạc Khẩu, Hoa châu (nay thuộc Hoa huyện, Thiểm Tây) và Thiểm châu (nay thuộc Thiểm huyện, Hà Nam); tại Trường An, Tịnh châu (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây) có lưu trữ một lượng lớn vải vóc.[68] "Nghĩa thương" còn gọi là "xã thương", vốn là kho lương do dân gian sử dụng. Năm 585, Tùy Văn Đế nghe theo kiến nghị của Độ chi thượng thư Trưởng Tôn Bình, lần đầu cho thiết lập "nghĩa thương". Năm 596, triều đình lệnh cho các châu khi thu hoạch, phải dành ra một phần lương thực lưu giữ trong "nghĩa thương", để cứu tế khi có hoạn nạn. "Nghĩa thương" phần lớn đặt tại vùng thôn quê, song ở các địa phương tây bắc thì đặt tại huyện thành, tiện lợi cho việc mở kho. Đến những năm cuối thời Tùy Văn Đế, lượng lương thực tích trưc trong toàn quốc được thuật là đủ dùng trong 50-60 năm.[chú 7]

Tuy nhiên, triều Tùy quản lý tập trung quá mức vật tư của quốc gia, dần làm tăng gánh nặng cho nhân dân.[69] Những năm cuối, Tùy Văn Đế đề xướng hình pháp nghiêm khắc, các quan lại vì sợ tội nên không dám phát lương cứu tế bách tính, dẫn đến kho lương không kịp thời phát huy công năng trong thiên tai nhân họa.[70] Do đó, khiến các kho lương tích trữ đầy đủ, song lại tỷ lệ nghịch với mức sinh hoạt của dân chúng, các kho lương sau này trở thành mục tiêu tấn công trong các cuộc nổi dậy chống triều đình Tùy.[71] Đến thời Tùy Dạng Đế, do phô trương xa xỉ và gây chiến liên miên, hao phí một lượng lớn của cải của quốc gia, khiến sản xuất xã hội bị phá hoại nghiêm trọng. Năm 613, Sơn Đông và Hà Nam xảy ra thủy tai, nông nghiệp mất mùa, ruộng đất phần nhiều bỏ hoang.[72] Cùng với thiên tai nhân họa, quan lại cấu kết với thương nhân nâng vật giá, địa chủ phú hào thừa cơ cho vay nặng lãi, khiến bùng phát dân biến Tùy mạt.

Thủ công nghiệp

Bình sành

Quy mô tổ chức và trình độ thủ công nghiệp thời Tùy trên nhiều khía cạnh đều vượt quá các triều đại trước, trong đó đại biểu là nghề dệt tơ, nghề gốm sứ, nghề đóng thuyền. Khu vực Hà Bắc, Hà Nam, Tứ Xuyên và Giang Nam đều là những nơi sản xuất sản phẩm dệt tơ. "Vải lụa vân" (lăng vân bố) của Tương châu (nay là An Dương, Hà Nam) rất tinh tế và đẹp; gấm Tứ Xuyên (Thục cẩm) cũng rất có danh tiếng.[73] Phụ nữ khu vực Tuyên Thành, Ngô quận (nay là Tô Châu), Cối Kê (nay là Thiệu Hưng), Dư Hàng ở Giang Nam chăm chỉ se sợi dệt vải, vải Kê Minh (Kê Minh bố) là nổi tiếng nhất.[74] Về gốm sứ, kỹ thuật tuyển luyện đất và tráng men đều được nâng cao. Trong đó, khi khai quật các mộ cổ tại An Dương của Hà Nam, Tây An của Thiểm Tây đã tìm thấy bình sứ men trắng (bạch từ) hình thiên nga, có tính cứng, tạo hình đẹp, là một trong những đồ sứ trắng có niên đại sớm nhất được phát hiện tại Trung Quốc. Đồ sứ men xanh (thanh từ) được nung ở nhiệt độ cao, độ cứng vượt xa sản phẩm cùng loại thời Tấn,[61] được sản xuất tại các nơi ở Hà Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây, Giang Nam. Nghề đóng tàu thời Tùy rất phát triển, khi chuẩn bị đánh Nam triều Trần, Dương Tố giám sát việc đóng "ngũ nha đại chiến thuyền", trên thuyền có 5 tầng lầu, cao hơn 100 xích, trước sau đặt 6 phách can[chú 8] dài 50 xích, dùng để tiến công tàu địch. Khi Tùy Dạng Đế tuần du Giang Đô, hàng nghìn chiếc thuyền được đóng, tiêu hao một lượng lớn nhân lực vật tư, cũng cho thấy kỹ thuật đóng thuyền cao siêu thời Tùy. Đội thuyền này gồm thuyền rồng (long chu) dành cho Hoàng đế, 'tường ly' dành cho Hoàng hậu, 'phù cảnh' cho cung phi, còn có các chủng loại 'dạng thải', 'chu điểu', 'thương li', 'bạch hổ'; trong đó 'long chu' dành cho Tùy Dạng Đế là tốt đẹp nhất.[chú 9]

Lĩnh vực thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu của triều đình có tổ chức to lớn, số lượng người tham gia đông đảo, chiếm địa vị chủ đạo trong toàn bộ thủ công nghiệp thời Tùy. Triều đình Tùy cho đưa một số lượng lớn các thợ thủ công ưu tú từ các địa phương trong toàn quốc đến Trường An và Lạc Dương, đồng thời bắt các thợ thủ công ở địa phương phải luân phiên đến kinh thành phục dịch. Cơ cấu chủ quản tối cao của triều đình trong thủ công nghiệp là Công bộ thuộc Thượng thư tỉnh, cơ quan quản lý các loại sản phẩm cần thiết của triều đình cụ thể là Thái phủ tự (thời Tùy Dạng Đế phân đặt Thiếu phủ giám), phụ trách công trình xây dựng hoàng cung và quan thự là Tương tác tự (sau đổi thành Tương tác giám). Thái phủ tự bên dưới phân thành các cơ quan Tả thượng, Hữu thượng, Nội thượng, Ty chức, Ty nghiễm, Chưởng trị, Khải giáp, Cung nỗ.[75] Tại một số châu huyện và khu vực khai khoáng, triều Tùy còn đặt cơ cấu quản lý công xưởng thủ công nghiệp của quan phủ, trong đó, lực lượng lao động chủ yếu là nô tì công, tù nhân, thợ thủ công phục dịch trường kỳ, thợ thủ công địa phương phục dịch luân phiên một thời gian. Họ sản xuất ra các sản phẩm sinh hoạt và quân nhu cho triều đình, tham gia xây dựng Đại Hưng thành và đông đô Lạc Dương.

Thương nghiệp

Khóa dây lưng và đồ trang sức bằng đồng thanh và đồng mạ vàng thời Tùy

Thống nhất quốc gia khiến thương nghiệp triều Tùy phát triển hơn nhiều so với thời Ngụy Tấn Nam-Bắc triều, có quy mô to lớn, đô thị thương nghiệp phồn hoa là hai kinh Trường An và Lạc Dương, hiếm thấy trên thế giới đương thời. Trường An có hai chợ Đông Tây, chợ đông tên là Đô Hội, chợ tây tên là Lợi Nhân, có rất nhiều thương nhân ngoại quốc.[76] Lạc Dương kể từ sau khi xây đào Đại Vận Hà trở thành nơi tập kết và phân phối hàng hóa nam-bắc. Lạc Dương có ba chợ, chợ đông tên là Phong Đô, chợ nam tên là Đại Đồng, chợ bắc tên là Thông Viễn. Trong đó, chợ Thông Viễn nằm kề Thông Tế cừ, chu vi 6 , với 20 cửa vào chợ, thương nhân tụ họp, thuyền đò neo đậu trên kênh lên đến vạn chiếc. Giang Đô là nơi trung chuyển hàng hóa của Giang Nam, ngoài ra các thành thị thương nghiệp Tuyên Thành (nay là Thường Châu), Ngô quận (nay là Tô Châu), Cối Kê (nay là Thiệu Hưng), Dư Hàng (nay là Hàng Châu), Đông Dương (nay là Kim Hoa) đều nằm ở đất Giang Nam phồn hoa. Thành Đô là trung tâm thương nghiệp của đất Ba Thục, còn Quảng Châu là trung tâm trong hoạt động mậu dịch hải ngoại. Đương thời, tuyến đường thương mại quốc tế của triều Tùy phân thành con đường tơ lụa dến Tây Vực và mậu dịch trên biển. Thông qua con đường tơ lụa, hàng hóa đến được đế quốc Sassanid Ba Tư, đế quốc Đông La Mã. Mậu dịch trên biển thông đến các nước Đông Nam Á và đặc biệt là Nhật Bản.[62]

Thời kỳ Nam-Bắc triều, tiền tệ không đồng nhất, Nam triều Lương và Nam triều Trần có tiền ngũ thù; Bắc Tề có tiền 'thường bình ngũ thù'; Bắc Chu có ba loại là 'vĩnh thông vạn quốc', 'ngũ hành đại bố', ngũ thù tiền; các quận Hà Tây dùng tiền vàng bạc Tây Vực. Thời Tùy sơ, các nơi vẫn sử dụng tiền tệ địa phương, đến năm 581 thì Tùy Văn Đế đặt ra tiền ngũ thù mới, mỗi 1000 tiền nặng 4 cân 2 lạng, cấm chỉ lưu thông tiền cổ và tiền tư. Đồng thời liên tiếp lập 5 lò tại Giang Đô, 10 lò tại Giang Hạ (nay là Vũ Hán), lập 5 lò tại Thành Đô, chiếu theo quy định mà đúc tiền ngũ thù. Vào mạt kỳ Tùy Dạng Đế, chính trị hủ bại, việc tư nhân đúc tiền trở nên phổ biến. Mỗi 1.000 tiền ngũ thù chỉ nặng 1 cận, thậm chí còn được làm từ sắt, tiền giấy sử dụng hỗn tạp với tiền đồng. Đến thời Tùy mạt thì tiền mất giá trị, hàng hóa đắt đỏ, chế độ tiền tệ sụp đổ. Từ Ngụy-Tấn đến Tùy-Đường, những mặt hàng như ngũ cốc và lụa thường được dùng làm vật trao đổi trung gian trong giao dịch.[62]